• thietbi.vae@gmail.com
  • C18-TT1 khu đô thị Văn Quán - Yên Phúc, Phường Phúc La, Quận Hà Đông, Thành phố Hà Nội, Việt Nam

Còn nhiều băn khoăn

  • VAE
  • 2214

Với mục tiêu đảm bảo cung cấp điện ổn định, thu hút được đầu tư vào phát triển các nguồn điện, đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động điện lực, Thông báo số 203/TB-VPCP đã nêu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thị trường phát điện cạnh tranh phải được đưa vào vận hành trong năm 2011.

Theo đó, Bộ Công Thương đề ra lộ trình thị trường phát điện cạnh tranh thí điểm sẽ được đưa vào vận hành trong quý II/2011. Sau khoảng 6 - 8 tháng để các nhà máy điện vận hành thử nghiệm, các cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát, xử lý, bổ sung các quy định, quy trình cho phù hợp với thực tế để đưa thị trường phát điện cạnh tranh chính thức vận hành vào cuối năm 2011.

Xóa dần vị thế độc quyền của EVN trong cung ứng điện

Theo đề án, các nhà máy điện có công suất từ 30MW trở lên đấu nối vào lưới điện quốc gia bắt buộc phải tham gia thị trường phát điện cạnh tranh theo các hình thức: giao dịch trực tiếp (chào giá cạnh tranh trực tiếp) và giao dịch gián tiếp (do các đơn vị khác chào thay hoặc công bố sản lượng điện phát). Riêng các nhà máy điện BOT và các nhà máy thủy điện đa mục tiêu không trực tiếp tham gia thị trường mà công ty mua bán điện sẽ chào giá cho các nhà máy điện BOT, đơn vị vận hành thị trường điện và hệ thống điện sẽ công bố sản lượng hàng giờ cho các nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu.

Khi tham gia thị trường điện cạnh tranh, các nhà máy phát điện sẽ phải chào giá tới đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện trong khung từ giá sàn tới giá trần. Nhà máy nào có mức giá chào thấp nhất được ưu tiên lựa chọn để huy động. Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện chịu trách nhiệm xác định và công bố giá sàn, giá trần phát điện của từng loại nhà máy điện và dự báo phụ tải. Dự kiến, trong năm đầu tiên triển khai thị trường điện, tỷ trọng điện năng bán qua hợp đồng mua bán điện được đặt ở mức 90-95% tổng điện năng công ty phát điện sản xuất ra, phần còn lại được bán qua thị trường giao ngay. Những năm sau, tỷ trọng bán qua hợp đồng sẽ giảm dần để tăng tính cạnh tranh trong khâu phát điện nhưng không nhỏ hơn 60%. Việc chào giá sẽ do cơ quan điều tiết điện lực giám sát. Các chuyên gia hy vọng, với nguyên tắc trên, vị thế độc quyền của EVN trong việc cung ứng điện sẽ không còn

Giá điện - cần minh bạch và hợp lý

Một trong những khó khăn hiện nay là cơ chế giá điện chưa hợp lý vì nhiều năm không điều chỉnh; giá bán lẻ điện bình quân hiện nay khoảng 5,3 cents/kWh là quá thấp, không thu hồi được chi phí ở các khâu phát điện, truyền tải và phân phối. Trong khi giá đầu vào của khâu phát điện chiếm tới 70% trong giá thành điện, nếu giá đầu vào (gồm giá than, khí, điện và tỷ giá ngoại tệ) thay đổi mà không điều chỉnh giá đầu ra để cân đối thu chi thì các đơn vị kinh doanh sẽ bị lỗ. Ngoài ra, do giá điện chưa phân tách được theo chi phí sản xuất điện ở các khâu nên chưa thu hút được vốn đầu tư vào ngành điện và điều đó cũng ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của thị trường điện.

Để khống chế và điều hành giá điện, Bộ Công Thương cho biết sẽ đưa ra khung giá trần và giá sàn dựa trên các tính toán chi phí phát điện chi tiết đến từng loại hình nhà máy. Việc điều chỉnh giá điện sẽ nằm trong khung đó dựa trên sự biến động của giá cơ sở. Ông Phạm Mạnh Thắng, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (ERAV) cho biết, hiện nay ERAV đang xây dựng giá điện tách thành 4 khâu: Phát điện, truyền tải, phân phối và điều hành phụ trợ. Hàng năm, giá bán điện bình quân được xây dựng trên cơ sở đảm bảo thu hồi chi phí cho sản xuất, kinh doanh điện tương ứng với 4 khâu trên. Hàng quý sẽ xem xét lại biến động của các yếu tố đầu vào so với thông số cơ sở để điều chỉnh giá bán điện bình quân trong quý. Hợp đồng mẫu đang xây dựng đã có tính cho chế độ vận hành của từng loại nhà máy sử dụng công nghệ riêng. Từ nay đến khi thị trường đi vào hoạt động, các cơ quan nhà nước sẽ tiếp tục ban hành các quy định, quy trình vận hành chi tiết, chỉ đạo các đơn vị tham gia thị trường (nhà máy điện, đơn vị mua buôn duy nhất, đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện, đơn vị cung cấp dịch vụ…) triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ đáp ứng yêu cầu tham gia thị trường, đào tạo nhân lực vận hành thị trường…

Còn nhiều băn khoăn

Các chuyên gia cho rằng, việc phát triển thị trường điện cạnh tranh sẽ đảm ba bên cùng có lợi: Nhà nước giảm gánh nặng đầu tư; các doanh nghiệp điện lực sẽ tăng tính tự chủ; khách hàng được hưởng lợi từ cơ chế cạnh tranh. Tuy nhiên, nhiều người vẫn băn khoăn về tính khả thi và tính minh bạch của thị trường này. Thứ nhất, chưa có mô hình nhà máy điện chuẩn nào để làm cơ sở xác định giá và khung giá phát điện. Thứ hai, hiện nay các khâu truyền tải, phân phối, mua bán điện vẫn nằm trong tay EVN thì thị trường chưa thể minh bạch. Nói cách khác, nếu EVN vừa bán, vừa mua, vừa điều hành thì không thể đảm bảo tính khách quan. Thứ ba, việc thực hiện thị trường điện cạnh tranh mới chỉ tạo sức ép buộc các nhà phát điện phải cạnh tranh, trong khi chưa có ràng buộc nào với các công ty truyền tải và công ty phân phối điện. Dự báo, đến năm 2015, tổng công suất điện toàn quốc sẽ khoảng 32.000 MW. Trong đó, EVN chiếm 60%; PVN khoảng 10%; TKV chiếm 10%; còn lại là các nhà đầu tư trong và ngoài nước khác. Như vậy, tính đến năm 2015, nếu cơ cấu mua bán điện không thay đổi thì EVN vẫn chiếm vị trí độc quyền về thị trường cũng như giá mua điện. Nếu tình hình này không được cải thiện, việc xây dựng một thị trường điện cạnh tranh đúng nghĩa khó có thể hình thành. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần tăng cường kiểm soát chặt các khâu truyền tải và phân phối điện, tách công ty mua bán điện và Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia ra khỏi EVN. Đó là chưa kể, công suất phát điện của các nhà máy nhiệt điện chạy khí phụ thuộc rất nhiều vào nhà cung cấp khí. Nếu việc cung cấp khí không đảm bảo thì các nhà máy này sẽ không thể tham gia thị trường cạnh tranh.

Tuy nhiên, ông Đào Văn Hưng, chủ tịch HĐQT EVN lại cho rằng, việc tách khâu phát điện ra khỏi EVN rất cần những bước đi thận trọng, bởi vì EVN là tập đoàn có vốn đầu tư tương đối lớn mà khi cần đầu tư cũng còn rất khó khăn. Nếu là những công ty nhỏ, mới thành lập không thể chứng minh khả năng tài chính càng không thể vay vốn được. Được biết, hiện nay EVN đã đề xuất phương án thành lập công ty phát điện thí điểm tách khỏi EVN, giao cho làm một vài nhà máy điện, EVN sẽ hỗ trợ vốn, nhân lực nhằm thu gọn đầu mối quản lý, tạo sức cạnh tranh trên thị trường, thu hút các nhà đầu tư ngoài EVN đầu tư vào các dự án nguồn điện… Tất cả các nhà máy này đều cùng tham gia chào giá bình đẳng trên thị trường. Nếu mô hình thí điểm này thành công sẽ tiếp tục xây dựng các công ty phát điện khác. Khi thị trường tiến tới cạnh tranh hoàn hảo, EVN sẽ giảm mức độ chi phối đối với các công ty này.

Theo Công Thương
ADB tài trợ lưới điện Bangladesh-Ấn Độ

ADB tài trợ lưới điện Bangladesh-Ấn Độ

Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã thông qua khoản vay trị giá 100 triệu USD với thời hạn 32 năm cho dự án mạng lưới điện nối liền Bangladesh và Ấn Độ.
Xem thêm
Còn nhiều băn khoăn

Còn nhiều băn khoăn

Với mục tiêu đảm bảo cung cấp điện ổn định, thu hút được đầu tư vào phát triển các nguồn điện, đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động điện lực, Thông báo số 203/TB-VPCP đã nêu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thị trường phát điện cạnh tranh phải được đưa vào vận hành trong năm 2011.
Xem thêm

Liên hệ tư vấn